Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Lào giai đoạn 2016-2020 và triển vọng đến 2021, những cơ hội, thách thức ảnh hưởng đến nền kinh tế Lào và trực tiếp đến các nhà đầu tư đang hoạt động tại Lào từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung; các chính sách sự hỗ trợ từ Chính phủ hai bên đối với doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Lào; nhận thấy:
– Về năng lượng: Nhằm giảm thiểu sự tác động đến môi trường, xã hội từ các dự án thủy điện, xu thế ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được Chính phủ Lào khuyến khích phát triển tạo ra lượng điện để xuất khẩu sang các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan.
Tuy nhiên, để sản xuất điện theo hướng xanh, bền vững, Lào đang quy hoạch vùng triển khai dự án và hệ thống truyền tải, điểm kết nối phù hợp, nhưng thiếu nguồn lực, đang kêu gọi các thành phần kinh tế tư nhân tham gia. Đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời và đầu tư vào hệ thống trạm, đường truyền dẫn là những lĩnh vực mà Chính phủ Lào đang quan tâm thúc đẩy.
– Về Nông nghiệp:
Hiện nay, Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi các mô hình các khu nông nghiệp công nghệ cao, xuất siêu trong sản phẩm nông nghiệp, bên cạnh đó, Lào là nước có tiềm năng về đất đai, điều kiện thiên nhiên ưu đãi đặc biệt như: nguồn nước, khí hậu, thổ nhưỡng, ít bị bão tố…, phần lớn quỹ đất nông nghiệp còn nguyên sinh, chưa được canh tác. Thổ nhưỡng, thủy văn tương thích và phù hợp cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hơn nữa, Lào Việt Nam có đường biên giới dài 2.340 km, là điều kiện thúc đẩy giao thương giữa hai quốc gia, các trục kết nối giao thông đã và đang được hình thành và ngày càng phát triển, hướng ra các cảng biển của Việt Nam tạo thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa.
Chính phủ Lào ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, các loại cây ăn quả, ưu đãi trong đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như giảm 30% tiền tô nhượng đất, giảm 50% tiền thuế sử dụng đất hàng năm, hỗ trợ hạ tầng giao thông, điện, nước vào dự án; xem xét có thể cấp giấy phép kinh doanh nông-lâm-nghiệp với thời hạn lên đến 05 năm đối với các dự án ổn định, hoạt động có hiệu quả.
Do vậy, hướng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghệ cao rất thích hợp trong ngắn hạn, giai đoạn 2020-2021, để có sản phẩm nhanh, tạo nguồn cung hàng hóa phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khu vực và quốc tế.
– Về kết nối giao thông: Hai Chính phủ Việt Nam và Lào đang phối hợp, tập trung nguồn lực để triển khai các tuyến đường kết nối ngang Đông-Tây tại các cực tăng trưởng kinh tế của Lào (Phu-thịt-phờng đi Na-xon, đường 18B, 16B, Hà Nội-Viêng Chăn, tuyến đường sắt Thà-khẹc đến Hà Tĩnh…) kết nối từ Việt Nam qua Lào sang Thái Lan; do nguồn lực hạn chế, Chính phủ Lào kêu gọi nguồn lực từ xã hội, đầu tư hạ tầng theo phương thức BOT nhiều tuyến đường, đây là những dự án kêu gọi các nhà đầu tư có nguồn lực về tài chính, có kinh nghiệm chuyên môn tham gia dài hạn.
– Về Dịch vụ: Trong giai đoạn 2020-2021, có một số dự án lớn về hạ tầng giao thông hoàn thành, đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc Viêng Chăn- Boten, đường cao tốc Viêng Chăn-Văng Viêng… sẽ kéo theo hàng loạt ngành dịch vụ đi kèm như Logictic, vận tải trung chuyển, bảo hành sửa chữa, ăn uống giải khát, nhà hàng khách sạn tại các điểm nút (nhà ga, bến bãi…)
Nhu cầu về vốn để thực hiện các chương trình, dự án cũng sẽ tăng lên, đòi hỏi hệ thống ngân hàng phải cải tiến dịch vụ, chuẩn bị nguồn lực để đáp ứng nhu cầu vốn của xã hội.
Trích phát biểu của ông Nguyễn Bá Hùng, Đại sứ Việt Nam tại Lào, trình bày tại buổi tọa đàm chủ đề “Thực trạng, triển vọng kinh tế Lào và những tác động đến doanh nghiệp Việt Nam tại Lào” do Hội doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào tổ chức tháng 10/2019.