Tại Lào, việc tiếp cận hay huy động nguồn vốn lớn trong dài hạn, doanh nghiệp cần phải trải qua quá trình kiểm toán nghiêm ngặt và kênh phát hành cổ phiếu là một lựa chọn phổ biến.
Doanh nghiệp tại Lào có thể tiếp cận nguồn vốn thông qua 2 kênh bao gồm thị trường vốn và thị trường tài chính. Trong đó, thị trường tài chính được hiểu là các khoản vay từ ngân hàng thương mại hoặc tổ chức tín dụng trong ngắn hạn, bình quân không quá 12 tháng và có rủi ro cao.
Trong khi đó, kênh huy động vốn dài hạn, bao gồm của nhà nước lẫn tư nhân tại Lào là phát hành cổ phiếu phổ thông trên thị trường chứng khoán.
Cổ phiếu thường (phổ thông) là đại diện cho việc xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần thường của công ty cổ phần.
Người nắm giữ cổ phiếu thường (cổ đông thường) được tham gia bỏ phiếu và ứng cử vào Hội đồng quản trị, cũng như quyền được tham gia quyết định các vấn đề quan trọng đối với hoạt động của Công ty, đồng thời có quyền nhận được lợi ích (cổ tức) từ hoạt động kinh doanh của Công ty. Mức độ “làm chủ công ty” của cổ đông phụ thuộc vào số cổ phần mà người này nắm giữ.
Hiện nay, thị trường chứng khoán Lào do Sở giao dịch chứng khoán (LSX) quản lý, có chức năng niêm yết các cổ phiếu do doanh nghiệp phát hành để kêu gọi nguồn vốn từ tổ chức, cá nhân đầu tư trong và ngoài nước với 3 hình thức gồm phát hành cổ phiếu đại chúng; phát hành cổ phiếu giới hạn và phát hành cổ phiếu cho cổ đông. Hiện LSX có tổng cộng 11 thành viên, có cả doanh nghiệp có cổ phần nhà nước cũng như doanh nghiệp tư nhân.
Tại Lào, doanh nghiệp muốn tham gia phát hành cổ phiếu phải đáp ứng các điều kiện là công ty cổ phần đại chúng; đảm bảo năng lực quản trị; báo cáo tài chính sau kiểm toán công khai, trong đó doanh nghiệp kiểm toán phải là đơn vị đã được Ủy ban quản lý chứng khoán Lào công nhận như KPMG, PWC, Ernst&Young, Deloitre; phải thiết lập đối tác với một công ty tư vấn tài chính; có doanh nghiệp đảm bảo cho việc phát hành cổ phiếu; hội đồng quản trị có 1/3 thành viên có tư cách độc lập, có ban thanh tra nội bộ; doanh nghiệp đang có khả năng tạo ra lợi nhuận, có cơ sở tài chính vững, đầy đủ vốn góp và không có nợ chồng chéo; có kế hoạch phát hành cổ phiếu đại chúng và kế hoạch sử dụng nguồn vốn huy động cụ thể…
Để có thể đăng ký niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Lào, doanh nghiệp cần trải qua 5 bước chính, bao gồm việc tổ chức đơn vị tư vấn tài chính và kiểm toán (đã được LSX công nhận) để hỗ trợ điều chỉnh cơ cấu quản trị và hoạt động, hoàn thành chứng từ, hồ sơ cần thiết để xin niêm yết trên sàn chứng khoán, đặc biệt là giấy tờ xác nhận của đơn vị kiểm toán về việc báo cáo tài chính của công ty có đúng theo nguyên tắc hay không.
Tiếp đó, đơn vị tư vấn pháp lý sẽ hỗ trợ Công ty đăng ký với cơ quan Công Thương để chuyển đổi hình thức hoạt động sang dạng Doanh nghiệp cổ phần đại chúng.
Khi hoàn thành đầy đủ hồ sơ cần thiết, Công ty sẽ nộp lên cơ quan quản lý chứng khoán Lào xem xét khả năng được niêm yết cổ phiếu hay không (bao gồm thị trường sơ cấp và thứ cấp).
Khi đã được cấp phép phát hành chứng khoán đại chúng, cơ quan quản lý sẽ hỗ trợ bằng cách quảng bá đến nhà đầu tư về thông tin và tiềm năng đầu tư của công ty trước khi cân nhắc thực hiện các giao dịch cổ phiếu.
Cuối cùng, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, đơn vị tư vấn tài chính sẽ nộp hồ sơ đề nghị LSX cho phép công ty niêm yết cổ phiếu của mình lên sàn chứng khoán Lào một cách hợp lệ.
Lợi ích của việc đầu tư vào cổ phiếu phổ thông chủ yếu được phản ánh ở các khía cạnh sau: Thứ nhất, về mặt cổ tức, nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận dưới dạng cổ tức. Nhìn chung, chính sách cổ tức trả không quá 50% lợi nhuận ròng hàng năm sau khi đáp ứng tất cả các khoản dự phòng pháp lý có liên quan. Các cổ đông không phải đóng thuế thu nhập từ số cổ tức nhận được. Thứ hai, về lợi nhuận vốn, giá cổ phiếu phổ thông sẽ dao động theo thời gian, tùy thuộc vào cơ chế thị trường hoặc cung/cầu cổ phiếu. Do đó, thông qua phân tích điều kiện thị trường, các nhà đầu tư sẽ có thể thu được lợi ích từ giao dịch và bán với giá cao hơn so với mua. Thứ ba, với tư cách là chủ doanh nghiệp, các cổ đông tham gia quản lý tỷ lệ cổ phần của công ty bằng cách tham gia đại hội đồng cổ đông, sao cho mỗi cổ phần của công ty bỏ phiếu và ra quyết định, mỗi 1 cổ phiếu tương ứng với 1 phiếu. Thứ tư, để mua thêm cổ phiếu, các cổ đông của công ty có quyền mua thêm cổ phiếu với giá chiết khấu cho cổ phiếu mới phát hành của công ty trước khi công bố.
Giới hạn tỷ lệ đầu tư nước ngoài
LSX có một số hạn chế về tỷ lệ các nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ, đối với EDL-Gen, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu không vượt quá 20% tổng vốn cổ phần của công ty, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không được vượt quá 5% và nhà đầu tư cá nhân nước ngoài không được vượt quá 1%. Đối với BCEL, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần không được vượt quá 10% tổng vốn cổ phần của công ty, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài và nhà đầu tư cá nhân không được vượt quá 1%. Đối với các cổ phiếu không phải là hai loại trên, các nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm các tổ chức và cá nhân, có thể mua với tỷ lệ không giới hạn.
Hình: Tỷ lệ giới hạn nắm giữ vốn của nhà đầu tư nước ngoài
Rủi ro trong đầu tư chứng khoán tại Lào
Cổ phiếu có thể giao dịch của Lào rất hạn chế, cổ phiếu của các công ty nhà nước chỉ có hai mã cổ phiếu là Công ty Điện lực Lào (EDL-Gen) và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL), nhưng các hạn chế về tỷ lệ đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài khá nghiêm ngặt. Việc cải cách hệ thống cổ phần, niêm yết lên sàn của các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và công ty liên doanh vẫn chưa có kinh nghiệm và hoàn thiện. Từ góc độ phương thức phát hành ở thời điểm hiện tại, sự mở cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong chứng khoán đầu tư cần được cải thiện hơn nữa; Lào hiện vẫn chưa hoàn thiện các điều kiện cần có của thị trường chứng khoán như: chưa có giao dịch qua mạng, lưu ký bên thứ ba, v.v.; các cơ sở hạ tầng phần cứng cần được cải thiện hơn nữa; việc xây dựng đội ngũ nhân lực ngành chứng khoán tương đối tụt hậu, cần phải đào tạo hoặc thu hút thêmđội ngũ các chuyên gia có kinh nghiệm quản lý thị trường, đầu tư tài chính và chứng khoán.
So với sự phát triển kinh tế của các quốc gia khác, thị trường vốn của Lào vẫn có một khoảng cách nhất định về nhiều mặt so với các thị trường vốn mới nổi khác trong cùng giai đoạn phát triển kinh tế hoặc so với thị trường nước ngoài đã trưởng thành. Số lượng công ty niêm yết còn ít, hiện chỉ có 11 công ty được niêm yết; nền tảng cơ sở của nhà đầu tư còn yếu, luật pháp của các cơ quan quản lý là không đủ. Về mặt chất lượng và số lượng đều phát triển còn khá chậm./.