Thị trường tài chính của Lào được tạo lên bởi hệ thống gồm 3 lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Thủ đô Viêng Chăn là trung tâm tài chính của Lào.
- Ngân hàng
Hệ thống ngân hàng của Lào được cấu thành bởi các bộ phận chính, bao gồm: Ngân hàng nhà nước Lào (BOL), ngân hàng bản địa, ngân hàng liên doanh và ngân hàng đầu tư nước ngoài. Đến nay, ngoài Ngân hàng TW, Lào có tổng cộng 44 ngân hàng, trong đó có 12 ngân hàng nội địa, 3 ngân hàng liên doanh và 29 ngân hàng đầu tư nước ngoài.
Ngân hàng TW: Ngân hàng Nhà nước Lào (BOL) là ngân hàng TW trực thuộc Chính phủ giữ vai trò là cơ quan quản lý tài chính của Lào, thành lập năm 1995, với cơ quan quản lý cao nhất là Hội đồng quản trị gồm Thống đốc và các Phó Thống đốc. Hệ thống BOL gồm 18 vụ cục chuyên môn và 4 chi nhánh tại các tỉnh Oudomxay, Luang Prabang, Savannakhet và Champasack.
Ngân hàng bản địa: Lào hiện có 12 ngân hàng bản địa, bao gồm 1 ngân hàng chính sách, 3 ngân hàng quốc doanh và 8 ngân hàng tư nhân.
Nayoby Bank là ngân hàng chính sách phi lợi nhuận duy nhất của Lào, thuộc sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng TW Lào, chủ yếu phụ trách quản lý và sử dụng các khoản vay mang tính chính sách để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của 64 khu vực khó khăn nhất của Lào.
Ba ngân hàng quốc doanh của Lào bao gồm Ngân hàng Phát triển (LDB), Ngân hàng Khuyến nông (APB) và Ngân hàng Ngoại thương Lào (BCEL). Trong đó, BCEL là ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Lào, do Bộ Tài chính Lào nắm 70% cổ phần. BCEL có tổng cộng 19 chi nhánh, 75 điểm dịch vụ, 10 điểm trao đổi và hơn 100 phòng giao dịch tại Lào và trên thế giới. Các dịch vụ của BCEL bao gồm: Gửi tiền, vay tiền, tín dụng, quyết toán, ngoại hối, ATM, thẻ tín dụng, ngân hàng di động và ngân hàng internet vv…
Ngân hàng liên doanh: Lào có 3 ngân hàng liên doanh bao gồm: Ngân hàng liên doanh Lào – Việt, Ngân hàng liên doanh Lào – Pháp và Ngân hàng liên doanh Lào – Trung.
Trong đó, Ngân hàng liên doanh Lào – Việt (LaoVietBank) được thành lập tháng 06 năm 1999 với vốn điều lệ gần 800 tỷ Kíp, là một trong những ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất tại Lào. LaoVietBank có 3 cổ đông gồm Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sở hữu 65%, Ngân hàng Ngoại thương Lào đại chúng (BCEL) sở hữu 25% , Công ty TNHH Souk Houng Hueng sở hữu 10% vốn Điều lệ.
Ngân hàng đầu tư nước ngoài: Hiện Lào có 29 ngân hàng đầu tư nước ngoài, đến từ nhiều nước trong đó chủ yếu có Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc ngoài ra còn có Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc vv…Trong đó, Việt Nam dẫn đầu về số lượng với 6 ngân hàng gồm Sacombank Lao, Vietcombank Lao, Vietin Bank Lao, MB, SHB. Trung Quốc có 2 ngân hàng là Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) và Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China).
- Bảo hiểm
Năm 2011 Lào ban hành “Luật Bảo hiểm” sửa đổi, tháng 2/2014 ban hành “Hướng dẫn triển khai Luật Bảo hiểm”. Đã thực hiện nhiều sửa đổi so với “Luật Bảo hiểm” năm 1990. Theo đó đã làm rõ các nội dung như thiết lập cơ quan quản lý giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, điều kiện thành lập công ty bảo hiểm, phạm vi kinh doanh bảo hiểm tài sản và bảo hiểm nhân thọ.
Theo quy định của Lào, vốn đăng ký thành lập công ty bảo hiểm thấp nhất là 30 tỷ Kíp, vốn thực tế không được thấp hơn vốn đăng ký, cùng với đó từ 20% vốn đăng ký phải được chuyển vào tài khoản ngân hàng trong lãnh thổ Lào khi tiến hành đăng ký thành lập; sau khi nhận được giấy phép kinh doanh trong phạm vi 90 ngày phải chuyển 80% vốn đăng ký vào ngân hàng trong lãnh thổ Lào, 20% còn lại sẽ thực hiện trong vòng 1 năm.
Lào cũng quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài thông qua hình thức liên doanh hoặc công ty con 100% vốn để tiến hành kinh doanh, nhưng phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hành nghề bảo hiểm. Hiện các công ty bảo hiểm tại thị trường Lào, tỷ lệ vốn nước ngoài đều không vượt quá 80%.
Sau khi gia nhập WTO năm 2012, Lào thực hiện việc phân chia lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm tài sản, các công ty có giấy phép kinh doanh bảo hiểm hỗn hợp cả bảo hiểm tài sản và nhân thọ trước kia phải phân tách thành các công ty con hoạt động độc lập việc kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và tài sản. Lào cũng cam kết cho phép thời hạn 5 năm sau khi ra nhập WTO cho phép nhà đầu tư bảo hiểm tại Lào không bị khống chế tỉ lệ cổ phần, tuy nhiên sau 5 năm các công ty bảo hiểm đăng ký thành lập mới sẽ bị bị khống chế giới hạn 51% cổ phần.
Hiện Lào có tổng cộng 24 công ty bảo hiểm đăng ký, hoạt động kinh doanh với Bộ Tài chính Lào. Trong đó các công ty bảo hiểm lớn chiếm đa số thị phần gồm có: Bảo hiểm Quốc gia Lào (AGL), Bảo hiểm Lào Việt (LVI), Bảo hiểm Forte-Toko Lao, Bảo hiểm Mitsui Sumitomo Lào (MSIG), Bảo hiểm Lanexang (LAP), Bảo hiểm Á Châu PCT.
– Công ty Bảo hiểm Quốc gia Lào (AGL): Là công ty bảo hiểm chiếm thị phần lớn nhất tại Lào, được thành lập năm 1991 trên cơ sở liên doanh giữa Bộ Tài chính Lào (51%) và Công ty Bảo hiểm AGF của Pháp (sau này được Allianz của Đức mua lại). AGL có mạng lưới phân bổ khắp cả nước, đồng thời bố trí các điêm dịch vụ tại các cửa khẩu, chủ yếu kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm tài sản vv..
– Công ty Bảo hiểm Lào Việt (LVI): Thành lập năm 2008, trên cơ sở liên doanh giữa Ngân hàng BIDV, Công ty bảo hiểm BIDV Việt Nam, Ngân hàng BCEL và Ngân hàng Lào Việt. Chủ yếu kinh doanh lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ.
– Công ty Bảo hiểm Forte-Toko Lao: Thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Tập đoàn Tokojaya của Malaysia (80%) và Bộ Công an Lào (20%). Chủ yếu kinh doanh bảo hiểm doanh nghiệp, bảo hiểm tài sản và bảo hiểm tai nạn.
– Công ty Bảo hiểm Lanexang (LAP): Thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam (51%) và Ngân hàng Phát triển Lào – LDB(49%). Chủ yếu kinh doanh bảo hiểm tài sản và bảo hiểm tai nạn.
– Công ty bảo hiểm Mitsui Sumitomo Lao (MSIG Lao): Thành lập trên cơ sở liên doanh giữa Công ty bảo hiểm Mitsui Sumitomo của Nhật Bản (51%) và Bộ Tài chính Lào (49%). Chủ yếu kinh doanh bảo hiểm ô tô và bảo hiểm tai nạn con người.
– Công ty Bảo hiểm PTC Asian: Tiền thân là Công ty bảo hiểm Insee, là công ty bảo hiểm 100% vốn tư nhân của Lào. Chuyên về bảo hiểm phi nhân thọ.
– Công ty Bảo hiểm International Lao (GIC): Thành lập năm 2017 là công ty bảo hiểm của Trung Quốc, chủ yếu kinh doanh bảo hiểm tài sản, nhân thọ và bảo hiểm nông nghiệp.
- Thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Lào hình thành khá muộn so với các nước xung quanh, hiện vẫn là một trong những thị trường vốn quy mô nhỏ trên thế giới. Ủy ban chứng khoán Lào chính thức thành lập tháng 5/2009, đến tháng 10/2010 sàn giao dịch chứng khoán Lào (LSX) đi vào hoạt động chính thức, là sàn giao dịch chứng khoán duy nhất của Lào. LSX do liên doanh Ngân hàng nhà nước Lào (BOL) giữ 51% cổ phần và Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc giữ 49% cổ phần.
Chỉ số cổ phiếu sàn giao dịch chứng khoán Lào là chỉ số LSX, là chỉ số tổng hợp giá cổ phiếu các công ty lên sàn sại sàn chứng khoán Lào.
Vào thời điểm mở sàn giao dịch lần đầu tiên ngày 11/1/2011, chỉ có cổ phiếu của hai công ty là Ngân hàng BCEL và Công ty điện lực Quốc gia Lào. Hiện tại, sàn chứng khoán Lào có cố phiếu của 11 công ty.
Lào hiện có 4 công ty chứng khoán bao gồm Công ty chứng khoán Lanexang, Công ty chứng khoán APM, Công ty chứng khoán Lào – Trung và Công ty chứng khoán BCEL-KT.
Các công ty chứng khoán của Lào bao gồm:
Tên Công ty | Thành lập | Năm thành lập | Dịch vụ |
Cty Chứng khoán Lanexang | Liên doanh Lào – Việt Nam | 2010 | Dịch vụ toàn diện |
Cty Chứng khoán BCEL-KT | Liên doanh Lào – Thái Lan, giữa Ngân hàng BCEL của Lào và Công ty chứng khoán KTZmico Thái Lan | 2010 | |
Cty Chứng khoán Lào – Trung | Liên doanh Lào – Trung, giữa Ngân hàng khuyến nông Lào APB và Công ty chứng khoán Pacific Securities Trung Quốc | 2013 | |
Cty Chứng khoán APM | Liên doanh Lào – Thái Lan | 2013 | Dịch vụ tư vấn đầu tư |
Các công ty niêm yết chứng khoán của Lào bao gồm:
Tên công ty | Mã giao dịch | Lĩnh vực kinh doanh |
Ngân hàng Ngoại thương Đại chúng BCEL | BCEL | Ngân hàng |
Công ty sản xuất điện lực Lào | EDL-Gen | Điện lực |
Công ty Lao World đại chúng | LWPC | Trung tâm thương mại |
Công ty Petro Trading Lao | PTL | Kinh doanh xăng dầu |
Công ty Souvanhny Homecenter | SVN | Nội thất |
Công ty Xây dựng Phousy | PCD | Xây dựng và kinh doanh bất động sản |
Công ty Xi măng Lào | LCC | Sản xuất tiêu thụ xi măng |
Công ty Mahatheun Leasing | MHTL | Cho vay tài chính |
Công ty Lao Agrotech Public | LAT | Nông nghiệp |
Công ty Vientiane Center | VCL | Trung tâm thương mại |
Công ty Asean Leasing | LALCO | Cho vay tài chính |
Tổng hợp