Chính phủ Lào cam kết thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng mới, bao gồm điện mặt trời, điện gió, nhiệt điện để giải quyết tình trạng thiếu điện vào mùa khô.
Cam kết được Chính phủ Lào đưa ra nhằm nỗ lực tăng sản lượng năng lượng xuất khẩu, giảm lượng điện nhập khẩu từ các nước láng giềng trong mùa khô.
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo, cho biết Lào có tiềm năng lớn về thủy điện, điện mặt trời và phong điện để xuất khẩu cho các nước láng giềng như Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Tính đến năm 2020, Lào có 82 dự án năng lượng với tổng công suất lắp đặt vượt 10.000 MW, trong đó bao gồm 80.4% thủy điện, 18.6% nhiệt điện.
Theo Bộ trưởng Daovong, khoảng 91.49% lượng điện tiêu thụ ở Lào là từ các nhà máy thủy điện, việc đa dạng hóa các nguồn điện sẽ giúp Lào đảm bảo an ninh năng lượng.
Giai đoạn 2021-2025, Lào có kế hoạch sản xuất 1.807 MW điện, bao gồm 57% thủy điện, 19% nhiệt điện than và 24% điện mặt trời. Đến năm 2030, Lào dự kiến sản xuất thêm 5.559 MW, trong đó bao gồm 77.59% thủy điện, còn lại là điện mặt trời, gió và nhiệt điện than.
Công suất điện mặt trời của Lào dự kiến nằm trong khoảng 10.000 MW đến 15.000 MW, trong khi tiềm năng điện gió ước tính khoảng 100.000 MW.
Vào mùa khô, khi tình trạng thiếu điện xảy ra, Lào thỏa thuận với Thái Lan nhập lại điện đã xuất khẩu cho nước này thông qua đường dây của mình. Thách thức của Lào hiện nay là khoảng 1.500 MW tiềm năng phát điện bị lãng phí vào mùa mưa nhưng vẫn phải nhập lại vào mùa khô. Giá EDL phải trả cho nguồn điện nhập khẩu này đắt gấp đôi so với điện nhập khẩu từ EGAT.
Lào đang phát triển 2 nhà máy nhiệt điện ở Sekong và dự kiến xuất khẩu cho Campuchia vào năm 2025, một dự án 1.800 MW do Tập đoàn Phonesack thực hiện tại huyện Kaleum, một nhà máy khác ở Lamam trị giá hơn 1 tỷ USD, công suất lắp đặt 700 MW sẽ do một doanh nghiệp Trung Quốc thực hiện.
Tổng hợp