Theo thống kê, trong 5 năm qua, đã có tổng cộng 743 công ty đầu tư tại các đặc khu kinh tế của Lào, với tổng vốn đăng ký trên 12 tỷ USD và tổng nguồn vốn trên 36 tỷ USD.
Các đặc khu kinh tế ở Lào cũng có sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp tên tuổi quốc tế, với tổng số vốn đầu tư thực trên 3 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào Sonexay Siphandone, đặc khu kinh tế của Lào có tính chất và đặc điểm khác với nhiều quốc gia do điều kiện địa lý đặc thù, không có đường biên giới biển và đang hạn chế về nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng. Hiện tại, Chính phủ Lào đang nỗ lực khuyến khích nhà phát triển tư nhân trong và ngoài nước đầu tư vào các đặc khu kinh tế bằng việc ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt.
Đến nay, các đặc khu kinh tế hiện diện ở 7 tỉnh/thành phố của Lào, có 19 thoả thuận phát triển dự án trên hơn 15 nghìn ha, bao gồm khu công nghiệp, đô thị mới, khu chuyển giao công nghệ… đã tạo ra thêm nhiều việc làm và dần hoàn thiện hệ thống kế nối dòng hàng hoá trong nước.
Các đặc khu kinh tế có hiệu quả và hoạt động nổi bật bao gồm đặc khu Savan-Seno, khu phức hợp Xaysettha, đặc khu VITA, Tam giác Vàng, Boten Danngam, Beung Thatluang. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài nổi tiếng như Nikon, Hoya, Aeroflot, Exilo…
Trong năm 2021, có thêm 45 công ty đầu tư tại đặc khu ở Lào, thực hiện nghĩa vụ ngân sách hơn 47 tỷ Kip, ghi nhận kim ngạch nhập khẩu 349 triệu USD (chủ yếu là máy móc, vật liệu xây dựng), xuất khẩu hơn 376 triệu USD. Tuy nhiên các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong đặc khu kinh tế của Lào cũng bị ảnh hưởng bởi bối cảnh chung, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến việc làm của một lượng đáng kể lao động bị gián đoạn.
Ngoài các mặt tích cực, nhiều đặc khu kinh tế của Lào vẫn đang ghi nhận tình trạng trì trệ trong triển khai dự án, chưa thể giải quyết dứt điểm tranh chấp và đền bù mặt bằng cho người dân, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ ngân sách cho nhà nước.
Tổng hợp