Theo học chuyên ngành Khoa học Chính trị thuộc Khoa Khoa học Xã hội (Đại học Quốc gia Lào), lưu học sinh Nguyễn Đức Long chia sẻ với TG&VN rằng anh mong muốn có thể dùng khả năng và kiến thức của bản thân để góp phần vun đắp mối quan hệ Việt Nam-Lào.
Nhiều người theo đuổi giấc mộng du học ở trời Tây, tại sao bạn lại lựa chọn du học Lào?
Thực sự tình cảm của tôi dành cho đất nước Lào đến rất tự nhiên. Trước đây, bác ruột tôi từng là công nhân tình nguyện Việt Nam sang xây dựng một công trình do Việt Nam viện trợ tại tỉnh Oudomxay (Lào). Vì vậy, từ nhỏ, tôi đã được nghe bác kể rất nhiều về đất nước và nhân dân Lào.
Lưu học sinh tham gia Giải Bóng đá thanh niên Việt Nam tại Lào. (Ảnh: NVCC) |
Qua những câu chuyện của bác, tôi luôn hình dung Lào là một đất nước thanh bình, tươi đẹp với những dãy núi trùng điệp, những bản làng hoang sơ, mộc mạc, những lễ hội và phong tục độc đáo, thú vị. Nhân dân các dân tộc Lào chân thành, thật thà, hiếu khách và đặc biệt yêu quý Việt Nam.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ xây dựng tại Lào, bác tôi đã được nhân dân Lào và các bạn đồng nghiệp người Lào cưu mang, đùm bọc và hết lòng giúp đỡ. Qua những câu chuyện của bác, tôi đã có những ấn tượng tốt đẹp về đất nước Lào và muốn tìm hiểu thêm về văn hóa và đất nước, con người nơi đây.
Thời gian học phổ thông, qua bộ môn lịch sử, tôi tiếp tục được cung cấp thêm nhiều kiến thức về tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước, đặc biệt trong quá trình hai dân tộc sát cánh đấu tranh giành độc lập.
Ở giai đoạn xây dựng và phát triển hiện nay, Việt Nam và Lào lại tiếp tục sát cánh, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa hiện đại hóa, nâng cao đời sống nhân dân. Hai nước đã xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực, chính trị, an ninh quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, giáo dục…
Với những hiểu biết cơ bản về mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, bản thân tôi cũng có một tình cảm đặc biệt với đất nước, nhân dân Lào và rất hy vọng có cơ hội được sang học tập hoặc công tác tại nước bạn Lào.
Năm 2020, được biết Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam có chương trình tuyển sinh du học Lào diện học bổng Hiệp định, tôi đã chủ động đăng ký và may mắn trúng tuyển. Có thể nói, được sang Lào du học là một sự may mắn và cũng thỏa ước mong của bản thân.
Ngoài việc học tập, cuộc sống của một lưu học sinh Việt Nam tại Lào có những hoạt động cộng đồng gì thú vị?
Hội sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào, cộng đồng người Việt tại thủ đô Vientiane, cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào như Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Lào… thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng thường niên hoặc đột xuất như Giải Bóng đá sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Lào, Giải Bóng đá thanh niên Việt Nam tại Lào, Hội chợ Xuân Nhâm Dần 2022, Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào thường niên, các buổi đón Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam sang thăm và làm việc chính thức tại Lào…
Bản thân tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động ý nghĩa này. Thông qua các hoạt động của hội sinh viên cũng như các hoạt động cộng đồng đã mang lại cho tôi nhiều trải nghiệm bổ ích và thú vị.
Anh Nguyễn Đức Long (ngoài cùng, bên phải) cùng các lưu học sinh nam tặng quà bạn nữ nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3. (Ảnh: NVCC) |
Trước hết, bản thân tôi được trau đồi và tích lũy nhiều kiến thức xã hội phong phú, đặc biệt là những thông tin về phong tục tập quán, văn hóa phong tục của đất nước Lào; có môi trường trau dồi văn hóa giao tiếp của bản thân, mở rộng các mối quan hệ trong cộng đồng người Việt tại Lào và Hội sinh viên Việt Nam, cũng như khả năng trong các phòng trào, hoạt động cộng đồng.
Ngoài ra, qua đây, bản thân tôi đã cảm nhận được tình đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái của người Việt tại nơi đất khách quê người, cũng như tinh thần yêu nước, hướng về Tổ quốc.
Bạn nhận thức thế nào về trách nhiệm của lưu học sinh Việt Nam tại Lào?
Theo tôi, lưu học sinh Việt Nam tại nước Lào có hai nhiệm vụ chính.
Thứ nhất là nhiệm vụ học tập. Lưu học sinh Việt Nam trước hết phải xác định nhiệm vụ trọng tâm là nỗ lực học tập, rèn luyện thành thục các kỹ năng ngôn ngữ Lào như nghe, nói, đọc, viết, dịch tiếng Lào, tích lũy các kiến thức chuyên ngành được đào tạo nhằm phục vụ công việc sau này.
Bên cạnh đó, lưu học sinh Việt Nam còn cần tìm hiểu về văn hóa xã hội, phong tục tập quán, các đặc điểm tình hình của đất nước Lào nhằm bổ sung, nâng cao hiểu biết, kiến thức của bản thân.
Thứ hai, mỗi lưu học sinh Việt Nam cần xác định bản thân mình như một cầu nối xây dựng, vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt Nam-Lào, cũng như vun đắp tình cảm của người dân Lào dành cho Việt Nam.
Để thực hiện nhiệm vụ này, lưu học sinh Việt Nam cần tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa cùng sinh viên Lào, xây dựng mối quan hệ thân thiết với sinh viên và người dân Lào, thể hiện tinh thân đoàn kết, yêu thương và sẵn sàng giúp đỡ nhiệt tình, vô tư.
Đồng thời, thông qua các hoạt động giao lưu với bạn bè người Lào, sinh viên Việt Nam cũng cần tuyên truyền, nhấn mạnh về mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Lưu học sinh Việt Nam tại Lào dự nói chuyện về Năm Hữu nghị Lào-Việt Nam. (Ảnh: NVCC) |
Còn dự định tương lai của bạn?
Hiện tại, tôi vẫn đang trong thời gian học tập chương trình cao học chuyên ngành Khoa học Chính trị tại Đại học Quốc gia Lào. Trước mắt, tôi sẽ tập trung hoàn thành chương trình học tập của bản thân đúng thời hạn và đạt kết quả tốt nhất có thể.
Trong tương lai, với khả năng sử dụng tiếng Lào, cũng như kiến thức chuyên ngành được đào tạo, bản thân tôi dự định sẽ làm những công việc liên quan đến nước bạn Lào, để có thể mang khả năng và kiến thức của bản thân góp phần vun đắp mối quan hệ truyền thống đặc biệt này.
Theo TGVN