Chiều 27.2, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath và Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào đã làm việc với Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tổ chức, bộ máy của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh và công tác quản lý về chế độ chính sách.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh bày tỏ vui mừng và vinh dự được đón, làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội Lào do Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath làm Trưởng đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam; chúc mừng Quốc hội Lào đã tổ chức thành công Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa IX, xem xét cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội hai nước, Ban Công tác đại biểu đã có nhiều năm hợp tác với các cơ quan của Quốc hội Lào trong hoạt động bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; cung cấp thông tin, quy định pháp luật và thực tiễn về tổ chức, hoạt động của HĐND trong quá trình Quốc hội Lào quyết định thành lập HĐND cấp tỉnh năm 2016. Ban Công tác đại biểu cũng đã đón tiếp nhiều Đoàn đại biểu Quốc hội của Lào sang thăm và làm việc, tìm hiểu về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, HĐND.
Tại cuộc làm việc, Đoàn đại biểu Quốc hội Lào đã nghe lãnh đạo Ban Công tác đại biểu chia sẻ các nội dung cơ bản về tổ chức, bộ máy của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh của Việt Nam; công tác quản lý về chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội.
Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên nêu rõ, tổ chức bộ máy của Quốc hội Việt Nam gồm có: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội. Về tổ chức bộ máy của HĐND cấp tỉnh gồm có: Thường trực HĐND, các Ban của HĐND (mỗi tỉnh có 3 Ban: Ban Kinh tế – Ngân sách, Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Pháp chế; tỉnh có nhiều dân tộc thì thành lập thêm Ban Dân tộc), Tổ đại biểu HĐND. Đối với HĐND của 5 thành phố trực thuộc Trung ương, ngoài cơ cấu tương tự như các tỉnh, được thành lập thêm Ban Đô thị.
Về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, công tác bầu cử được thực hiện theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Để góp phần bảo đảm cho đại biểu Quốc hội thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm, tạo điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội, chế độ chính sách của đại biểu Quốc hội được quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khambay Damlath cảm ơn Quốc hội Việt Nam, trong đó có Ban Công tác đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học quý báu trong công tác tổ chức bộ máy của Quốc hội, HĐND cấp tỉnh của Việt Nam; công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND và quản lý về chế độ chính sách đối với đại biểu Quốc hội; đánh giá cao cơ cấu tổ chức bộ máy của HĐND tỉnh của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Khambay Damlath mong muốn, Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào sẽ tiếp tục hợp tác thiết thực, hiệu quả; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức, hoạt động. Đồng thời nhấn mạnh, Quốc hội Lào sẽ tiếp tục nghiên cứu các bài học kinh nghiệm của Quốc hội Việt Nam để vận dụng vào tổ chức, hoạt động.
Tại cuộc làm việc, hai bên cũng trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm thực tiễn về các lĩnh vực cùng quan tâm. Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tin tưởng, với những vấn đề trao đổi rất cụ thể, trong không khí đầm ấm, thân tình, cởi mở, hai bên sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào tổ chức và hoạt động của Quốc hội, HĐND mỗi nước.
Theo ĐBND