Lào có tổng diện tích 236.800 km2, trong đó Chính phủ quy định 12% quỹ đất được dành để bảo tồn khoáng sản và quản lý trong tương lai, tạo cân bằng giữa việc bảo tồn và khai thác, bảo đảm phát triển khoáng sản được tiến hành một cách đúng mức theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Daovong Phonekeo đã đề xuất Kế hoạch phát triển năng lượng điện của Lào giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch Phát triển Năng lượng và Mỏ lần thứ IX (2021-2025): Về địa chất và mỏ, hiện nay diện tích nghiên cứu tìm kiếm, khảo sát khai thác khoáng sản vào khoảng 72.174,3 km2 chiếm 30,5% diện tích cả nước trong đó diện tích khai thác chế biến khoảng 0,9%; diện tích nghiên cứu kinh tế kỹ thuật 0,7%; diện tích tìm kiếm khảo sát 29%.
Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định khu vực bảo tồn khoáng sản số 308/TTg (ngày 10/5/2021) nhằm xác định 12 vùng có thế mạnh về khoáng sản là khu vực bảo tồn với tổng diện tích 28.268,50 km2, tương đương 12% diện tích cả nước để duy trì và quản lý trong tương lai, cân đối giữa việc khai thác sử dụng và việc bảo tồn, bảo đảm phát triển khoáng sản tiến hành theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường gắn với 3 mục tiêu trong Kế hoạch phát triển năng lượng và mỏ trong giai đoạn 5 năm lần thứ IX (2021-2025).
Dự kiến giá trị sản xuất và phân phối khoáng sản giai đoạn 2021-2025 là 7.832 triệu USD, tăng 4% so với kế hoạch 5 năm lần thứ VIII (2016-2020) với tổng giá trị 7.526 triệu USD, dự kiến việc phân phối khoáng sản đạt 8.336 triệu USD tăng 3%, trong đó: dự kiến phân phối trong nước đạt 1.974 triệu USD (tăng 38%) và phân phối ra nước ngoài 6.362 triệu USD (giảm 5%). Dự kiến thu ngân sách trong giai đoạn 5 năm lần thứ IX đạt 880 triệu USD (tăng 5%).
Phương hướng đề ra là khuyến khích, thúc đẩy xây dựng nhà máy chế biến và luyện kim đối với các khoáng sản cơ bản như: vàng, đồng, thiếc, sắt… Hiện nay, doanh nghiệp Nhà nước phát triển khoáng sản Lào đã hợp tác với Công ty nước ngoài xây dựng nhà máy luyện kim tại đặc khu kinh tế tỉnh Khammuan có diện tích 123 ha và đang hướng đến xuất khẩu quặng chế biến muối mỏ Kali với việc sử dụng đường sắt Lào – Trung làm tuyến vận chuyển chính.
Theo ĐSQVN tại Lào