Chiều 15/5, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức nước CHDCND Lào, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã tới thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, gặp mặt thân mật cộng đồng người Việt và đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Đại sứ quán và gặp gỡ Cộng đồng người Việt Nam tại Lào. (Nguồn: TTXVN)
Qua nghe báo cáo của Đại sứ Nguyễn Bá Hùng và đại diện bà con người Việt tại Lào, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, trong đó có cộng đồng người Việt ở Lào nói riêng.
Nêu rõ vấn đề quan tâm hiện nay là các thiết chế văn hoá, dạy tiếng Việt, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam trong các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề cần tiếp tục quan tâm thực hiện, nhất là với đông đảo cộng đồng người Việt Nam tại Lào, lên đến 100.000 người.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói chuyện với Cộng đồng người Việt Nam tại Lào. (Nguồn: TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tích của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, các cơ quan đại diện và cộng đồng người Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào trong xây dựng, phát triển đất nước, cũng như đóng góp cho nước bạn Lào, vun xới và ngày càng phát huy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước.
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đang mở nhiều lớp học tiếng Việt cho cán bộ, nhân viên của Lào. Ngoài tôn vinh tiếng Việt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán cần có các hoạt động quảng bá tiếng Việt.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã luôn yêu thương, đùm bọc nhau, vừa luôn gắn bó và có nhiều đóng góp thiết thực đối với đất nước bạn, vừa luôn thiết tha hướng về quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng cộng đồng người Việt tại Lào đã “chung lưng đấu cật” với nhân dân Lào anh em, cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn.
Đại sứ quán Việt Nam tại Lào và cộng đồng người Việt tại Lào đã có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ, củng cố và không ngừng phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Đại biểu dự buổi gặp gỡ. (Nguồn: TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng thông báo tới bà con một số nét chính về tình hình kinh tế – xã hội ở trong nước và những quyết sách của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, khoá XIII vừa qua. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Việt Nam và Lào có mối quan hệ có một không hai trên thế giới, là di sản vô giá đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Năm 2022, hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: “Chúng ta có trách nhiệm gìn giữ và phát triển di sản vô giá này để kỷ niệm 100 năm hay mãi mãi về sau, tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc vẫn ngày càng bền chặt. Đó là nguyên tắc bất biến.”
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, mỗi người Việt tại Lào, mỗi doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào phải là một sứ giả trong việc gìn giữ, không ngừng phát triển và nâng tầm mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tặng quà học sinh trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào. (Nguồn: TTXVN) |
Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tổng hội Người Việt Nam tại Lào Nguyễn Duy Trung đã nêu một số kiến nghị, mong muốn của cộng đồng người Việt Nam tại Lào như hợp tác lao động, tăng số lượng học bổng hằng năm để có nhiều hơn các em học sinh là thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt Nam tại Lào về nước học tập; tạo điều kiện để người Việt Nam tại Lào được khám, chữa bệnh ở trong nước…
Ghi nhận các kiến nghị này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhất trí cho rằng, cần nghiên cứu vấn đề hợp tác lao động giữa hai nước bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam hoạt động tại Lào cũng đang thiếu lao động.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Lào. (Nguồn: TTXVN) |
Liên quan đến vấn đề tăng số lượng học bổng do chính phủ cung cấp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố của Việt Nam nghiên cứu, hỗ trợ cấp học bổng cho học sinh Lào và học sinh là con em người Lào gốc Việt. Đây chính là hoạt động thiết thực để tăng cường, phát huy tình cảm gắn bó keo sơn giữa hai nước.
Về đề xuất khám, chữa bệnh như công dân trong nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết sẽ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội để nghiên cứu hướng xử lý phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc gặp đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào. (Nguồn: TTXVN) |
Cũng trong chiều 15/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã gặp gỡ đại diện cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Cùng tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Sonexay Siphandone, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena.
Phát biểu tại buổi gặp, ông Dương Đình Bảng, Chủ tịch lâm thời Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào, cho biết Chính phủ Lào đang sửa đổi hệ thống pháp luật hiện hành nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Nhiều hiệp định, thỏa thuận giữa hai nước được ký kết đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Với ý thức chính trị cao cùng sự nỗ lực của các doanh nghiệp Việt Nam, được sự hỗ trợ tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và đầu tư hai nước, hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển.
Theo ông Dương Đình Bảng, đây là điều kiện hết sức quan trọng giúp các doanh nghiệp phát triển. Chính phủ Lào đã và đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và đang trong quá trình cải cách luật pháp, sửa đổi nhiều quy định theo hướng thông thoáng, thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đầu tư, kinh doanh chưa đạt được hiệu quả kinh tế cao. Hợp tác đầu tư giữa hai nước chưa đạt được kết quả như mong muốn, chưa tương xứng với tầm mức quan hệ chính trị, ngoại giao của hai nước.
Đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào đề nghị phía Lào đẩy nhanh kết nối giao thông giữa hai nước với khu vực; sớm xem xét, nghiên cứu để đưa ra cơ chế hợp tác về việc trao đổi, sử dụng đồng kip Lào và đồng tiền Việt Nam trong hoạt động đầu tư, thương mại; đề nghị Quốc hội Lào sớm xem xét, sửa đổi, bổ sung các các luật liên quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chủ tịch lâm thời Hội Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và đầu tư tại Lào Dương Đình Bảng cũng đề nghị cơ quan hữu quan Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; đặc biệt lưu tâm đến các dự án đầu tư tại các khu vực trọng điểm, địa bàn khó khăn; tăng cường năng lực cho các ngân hàng của Việt Nam tại Lào để có sự ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào.
Các đại biểu tham dự cuộc gặp. (Nguồn: TTXVN) |
Thay mặt Chính phủ Lào, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone ghi nhận những ý kiến của các doanh nghiệp, đồng thời cho biết Việt Nam đang đứng thứ 3 trong các nước đang đầu tư tại Lào với số vốn 4,6 tỷ USD, trong đó các doanh nghiệp sản xuất điện có 13 dự án, lĩnh vực khai khoáng có 22 dự án, lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ có 76 dự án. Các dự án đã góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Lào.
Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone đánh giá cao các đề xuất và cho biết sẽ có chỉ đạo, trao đổi với các bộ, ngành liên quan của Lào để cải cách, sửa đổi luật cho phù hợp với thực tế và việc điều chỉnh tỷ giá, kết nối thống giao thông thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Phát biểu tại buổi gặp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, chuyến thăm chính thức Lào lần này của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam trong bối cảnh hai nước mới mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 là hoạt động quan trọng giữa hai nước trong “Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 2022”.
Là người theo sát quá trình các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào từ những ngày đầu tiên, chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu các doanh nghiệp kiên nhẫn, vượt qua những khó khăn, bất cập hiện tại của môi trường đầu tư kinh doanh. Ngay cả các doanh nghiệp cũng phải xác định trách nhiệm đối với mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan hệ đặc biệt cần phải có những cơ chế đặc biệt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư và kinh doanh tại Lào. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo hiện nay chính phủ hai nước nghiên cứu rất tích cực dự án Cao tốc Hà Nội-Vientiane (nâng cấp Quốc lộ 8). Chính phủ Nhật Bản cũng đã đồng ý hỗ trợ và dự án này sẽ tạo điều kiện cho Lào có lối ra biển ở điểm Vũng Áng.
Nhấn mạnh trong thời gian tới phải thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư tương xứng với quan hệ chính trị, ngoại giao, quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có như anh em một nhà giữa hai nước, Chủ tịch Quốc hội cho rằng kim ngạch thương mại hai nước hiện mới đạt 1,3 tỷ USD còn quá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của hai nước.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, lãnh đạo các bộ, ngành cùng suy nghĩ để khắc phục những yếu kém, hạn chế trong thực hiện các dự án hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh sau cuộc gặp này, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng báo cáo tổng hợp đầy đủ kiến nghị gửi Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành của Lào, đồng thời gửi các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam. Ủy ban Kinh tế của Việt Nam chủ trì với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng với các cơ quan hữu quan, Quốc hội Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào và Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào trong năm nay tổ chức diễn đàn kinh tế để tìm ra lời giải và đề xuất với chính phủ hai nước.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước phấn đấu đưa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư có bước đột phá, tương xứng với tầm vóc quan hệ đặc biệt, có một không hai giữa hai nước, để quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư gia tăng được số lượng, tăng cường hiệu quả và lợi ích thiết thực cho hai nước, cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Theo BQT