Ngày 29/12, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith đã chủ trì Cuộc họp thường niên lần thứ 31 giữa hai Đoàn đại biểu biên giới Việt Nam-Lào. Hai bên đã trao đổi, đánh giá tình hình, kết quả triển khai công tác biên giới theo Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền ký năm 2016 kể từ Cuộc họp thường niên lần thứ 30 đến nay; đề ra phương hướng, trọng tâm công tác trong thời gian tới.
Hai bên đánh giá, dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, hai nước đã nỗ lực hợp tác nhằm duy trì đường biên giới ổn định, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh cũng như hợp tác phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh biên giới. Hai nước đã mở lại một số cửa khẩu phục vụ lưu thông hàng hóa; đẩy mạnh giáo dục pháp luật, đẩy mạnh phong trào tự quản đường biên, mốc quốc giới, tăng cường mô hình kết nghĩa “bản-bản” hai bên biên giới… củng cố hơn nữa hòa bình, ổn định trên biên giới hai nước, góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào.
Hai bên nhất trí tiếp tục phối hợp tổ chức quản lý tốt đường biên giới, mốc quốc giới; cùng nghiên cứu, đề xuất Chính phủ hai nước cho phép triển khai các biện pháp, trong đó có sử dụng hộ chiếu vắc-xin nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp hai nước đầu tư phát triển khu vực biên giới; thúc đẩy đầu tư xây dựng hạ tầng cửa khẩu và kết nối giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về biên giới cho cán bộ, chiến sĩ và người dân hai nước.
Cùng ngày, tại Hội nghị tổng kết song phương đánh giá kết quả triển khai thí điểm mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị)-Densavanh (Savanakhet), Việt Nam và Lào đã ra thông cáo chung, nhấn mạnh việc hai nước triển khai thí điểm mô hình là quyết tâm chính trị của hai Đảng, hai Chính phủ, nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, đi lại của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường gắn bó mật thiết giữa hai tỉnh tuyến đầu của hành lang kinh tế Đông-Tây. Hai bên nhất trí phối hợp triển khai tổng thể các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, tạo các điều kiện cho việc thực hiện hiệu quả mô hình như áp dụng cải tiến phù hợp, đặc điểm, tình hình của cặp cửa khẩu; ký kết điều ước quốc tế cấp chính phủ về triển khai mô hình; đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao hiệu quả hoạt động…