Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh kêu gọi doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân cống hiến sức lực, trí tuệ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và xã hội giao cho, góp phần phát triển đất nước theo chủ trương, đường lối của Đảng, hướng tới việc tự sản xuất hàng hóa tiêu dùng để không phải nhập khẩu, biến khủng hoảng của bùng phát dịch Covid-19 trở thành cơ hội phát triển đất nước.
Tại hội nghị giữa Chính phủ Lào và các doanh nghiệp Lào dưới sự chủ trì của Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh diễn ra trong hai ngày 16 và 17/12 tại Thủ đô Vientiane, Lào đã bàn về 6 kế hoạch quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển là: Kế hoạch tổ chức thực hiện việc điều chỉnh dịch vụ một cửa gắn liền với phân công trách nhiệm quản lý; kế hoạch thúc đẩy và khuyến khích sản xuất nông nghiệp thành hàng hóa; kế hoạch thúc đẩy và khuyến khích công nghiệp chế biến để phục vụ trong nước và xuất khẩu; kế hoạch thúc đẩy, khuyến khích các dự án gắn liền với các lĩnh vực dịch vụ và tạo thu nhập; kế hoạch khảo sát đất và quy định khu vực tại các tỉnh dọc theo đường sắt Lào-Trung thành khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ để thu hút đầu tư; kế hoạch phát triển, đào tạo tay nghề lao động, phân bổ việc làm cho lao động trong và ngoài nước.
Hội nghị đã tập trung thảo luận, trao đổi ý kiến và tạo sự thống nhất giữa Chính phủ và các doanh nghiệp trong chủ trương thực hiện 6 kế hoạch để tiếp tục giải quyết khó khăn về kinh tế-tài chính và những vấn đề còn tồn tại gây cản trở đối với việc tiến hành kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm làm cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội quốc gia và kế hoạch tổ chức thực hiện 2 chương trình quốc gia trong điều kiện Covid-19 được tổ chức thực hiện đem lại hiệu quả thực tế.
Tại hội nghị, Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh nhấn mạnh, việc khánh thành, đưa vào sử dụng tuyến đường sắt Lào-Trung là cơ hội, thế mạnh quan trọng sẽ giúp khôi phục lĩnh vực dịch vụ vận tải hàng hóa, du lịch đang bị ảnh hưởng nặng nề từ năm 2020; năm 2021 Chính phủ Lào khóa IX đã xây dựng và tổ chức thực hiện, đạt được bước tiến ban đầu trong chương trình quốc gia giải quyết khó khăn về kinh tế-tài chính, chương trình quốc gia giải quyết vấn đề ma túy, đi kèm với việc sửa đổi một số văn bản pháp luật gây trở ngại đối với việc tiến hành kinh doanh trong thời gian qua và là cơ sở cho việc tạo sự chuyển biến mới một cách mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh chỉ đạo các bộ, ngành, doanh nghiệp quan tâm một vấn đề như: Các ngành tiếp tục kiểm tra chính sách cũng như các văn bản pháp luật đã ban hành, văn bản nào chưa phù hợp với yêu cầu trong điều kiện mới hoặc chưa ban hành thì khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mới trên tinh thần minh bạch, thuận tiện, nhanh chóng và bảo đảm sự ổn định; điều chỉnh kế hoạch tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung, bao gồm cả số liệu thống kê các lĩnh vực bảo đảm chính xác, rõ ràng làm cơ sở cho việc đề ra kế hoạch trong từng giai đoạn và làm cơ sở quan trọng trong việc khuyến khích đầu tư, dịch vụ một cửa cho nhanh chóng hơn.
Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh yêu cầu các ngành liên quan của Nhà nước cải thiện, nâng cao năng lực trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng cường sự chủ động, trách nhiệm, minh bạch trong công việc của cơ quan cũng như cá nhân thông qua điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, đào tạo chuyên môn trong từng giai đoạn để việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm nhất quán; cải tiến cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành mình theo hướng tinh gọn, nhanh chóng, hiện đại, quan trọng là việc thay đổi tư duy của cán bộ từ nhà quản lý thành nhà điều hành tổ chức, dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng, đúng đắn theo pháp luật.
Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh nhấn mạnh, Chính phủ Lào khóa IX phải dám quyết định dứt khoát, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước, tạo ra sự chuyển biến mới, mạnh mẽ, sâu sắc, toàn diện theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng; các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi, quy định các chính sách, biện pháp thiết thực để giúp các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi nền kinh tế có thể khôi phục các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn để khuyến khích sản xuất, dịch vụ và thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa để chuyển từ việc nhập khẩu hàng hóa thành khuyến khích sản xuất, tiêu dùng trong nước.
Theo NDĐT