Chính phủ Lào đã đề ra lộ trình phục hồi ngành du lịch trong tổng thể kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế ở điều kiện “bình thường mới” trên cơ sở kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 nhờ tiêm chủng vaccine.
Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào mới đây đã công bố lộ trình phát triển ngành du lịch giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi ngành kinh tế ‘không khói” vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch COVID-19. Kế hoạch này đặt trọng tâm vào thúc đẩy du lịch trong nước trước, kết hợp với mở cửa đón khách quốc tế quay trở lại trên cơ sở đạt được bước tiến về che phủ vaccine. Sáng kiến mới được hỗ trợ bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP).
Phát biểu tại sự công bố, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào Ounthuang Khaophanh cho biết lộ trình phục hồi du lịch bao gồm các biện pháp để giải quyết các vấn đề quan trọng của ngành trong nỗ lực giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19. Kế hoạch này sẽ bao gồm nhiều giải pháp xử lý những điểm thiết yếu của ngành du lịch và đóng vai trò quan trọng trong phục hồi ngành kinh tế này tại Lào.
Cũng tại lễ phát động, Trưởng đại diện UNDP tại Lào, bà Ricarda Rieger, khẳng định Lào có tiềm năng, thế mạnh rất lớn về du lịch xanh và bền vững trong tiến trình phục hồi thời hậu COVID-19. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học, Lào đứng trước cơ hội thúc đẩy du lịch dựa vào thiên nhiên nhằm tăng trưởng bền vững và bao trùm, tạo thêm nhiều việc làm và góp phần thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội Lào – bà Reieger chia sẻ.
Do thực hiện các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, năm 2020, lượng khách du lịch của Lào giảm đáng kể là 75%, dẫn đến doanh thu từ du lịch giảm đến 80%. Điều này tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống của người dân, đặc biệt là người lao động trong lĩnh vực này.
Phục hồi du lịch nằm trong tổng thể kế hoạch của Lào về mở cửa trở lại nền kinh tế, đưa nhịp sống trở lại trạng thái bình thường mới. Phát biểu ngày 2/11 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IX của Lào vừa qua, Thủ tướng Lào Phankham Viphavan nêu rõ Chính phủ Lào đang nghiên cứu và xây dựng kế hoạch chiến lược để ứng phó với COVID-19 và hướng đến mở cửa đất nước trở lại trong điều kiện bảo vệ tối đa sức khỏe và an toàn của người dân.
Ông nhấn mạnh vấn đề quan trọng hiện nay là tập trung vào giải quyết các vấn đề kinh tế và khủng hoảng do COVID-19 gây ra bằng cách giúp người dân thích nghi với trạng thái bình thường mới trong điều kiện COVID-19. Lào đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine để đạt được độ bao phủ vaccine 50% dân số vào cuối năm nay.
Cũng tại kỳ họp lần này, Phó Thủ tướng Sonexay Siphandone thông báo quyết định về mở cửa biên giới, cho phép du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ được tới du lịch tại Lào. Chính phủ kỳ vọng chương trình quảng bá du lịch có tên gọi “Lao Thiao Lao” (tạm dịch “Người Lào du lịch tại Lào”) được triển khai từ cuối năm ngoái sẽ giúp đón được 1,9 triệu khách nội địa và 1 triệu khách quốc tế trong năm 2022.
Ngành du lịch Lào cũng đón nhận tin vui nhờ bước nâng cấp đột phá về hạ tầng giao thông gắn với phát triển du lịch. Ngày 16/10 vừa qua, tàu cao tốc Lane Xang (nghĩa là Triệu Voi) đã chạy thử nghiệm ngay sau lễ bàn giao. Quá trình chạy thử diễn ra tốt đẹp. Sau giai đoạn này, tàu Lane Xang sẽ chính thức đón khách đi từ Lào đến Côn Minh và ngược lại từ ngày 2/12 tới, đúng dịp lễ Quốc khánh của Lào.
Tuyến đường sắt dài 414 km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường sắt cấp 1 của Trung Quốc, có thể chạy với tốc độ 160km/h nếu chở khách và 120km/h nếu chở hàng. Với tổng mức đầu tư 1,2 tỉ USD, tuyến đường sắt được kỳ vọng sẽ kích thích ngành du lịch của Lào, khi khách du lịch có được hành trình thăm viếng tiện lợi hơn, rút ngắn thời gian hành trình.
Theo Duangmala Phommavong, giám đốc điều hành công ty lữ hành Exo Travel Laos (Lào), tuyến đường sắt nối từ thị trấn Boteng ở tỉnh miền bắc Luangnamtha tới thủ đô Viêng Chăn tạo ra một lựa chọn mới về loại hình vận tải du lịch nhanh, ít tốn kém, rất thích hợp để khám phá khu vực bắc Lào. Dọc tuyến đường đều có các nhà ga nằm ngay ở những địa điểm du lịch nổi tiếng miền đông bắc Lào, trong đó có Thành phố di sản Thế giới Luang Prabang được UNESCO công nhận. Ngành du lịch Lào đang rất háo hức chờ đón thời điểm tàu Lane Xang đi vào vận hành.
Các hãng lữ hành quốc tế cũng có chung nhận định. “Những kết nối đường sắt mới này giúp cho việc đi lại giữa các điểm đến ở Viêng Chăn, Vang Vieng và Luang Prabang nhanh hơn. Hành trình Viêng Chăn-Vang Vieng từ 6 giờ bằng đường bộ này chỉ còn 2 giờ”, Julie FitzGerald, Tổng giám đốc điều hành hãng Asia of G Adventures, chuyên thực hiện các tua du lịch tại Lào nói. Theo ông, hạ tầng mới này sẽ giúp Lào thu hút được nhiều khách du lịch phổ thông, thay vì phải dựa nhiều vào các tua du lịch mạo hiểm như hiện nay.
Theo TTXVN