Theo quy định của Lào, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp nước ngoài để đầu tư kinh doanh tại Lào thường được phân chia thành các hoạt động như: Đầu tư kinh doanh các lĩnh vực phổ thông, Đầu tư kinh doanh lĩnh vực đặc biệt, Thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh, Thành lập đặc khu kinh tế hoặc khu kinh kinh tế chuyên biệt.
Trong đó, quy trình thủ tục đối với thành lập doanh nghiệp đầu tư kinh doanh lĩnh vực đặc biệt tại Lào sẽ trải qua các bước như sau: Nộp hồ sơ xin phép – Thẩm định nhà đầu tư – Phê duyệt – Cấp mã số thuế – Cấp giấy phép kinh doanh đặc biệt – Bắt đầu kinh doanh – Cấp con dấu. Cụ thể như sau:
- Nộp hồ sơ xin phép
Nhà đầu tư có mong muốn đầu tư kinh doanh lĩnh vực đặc biệt tại Lào, phải nộp hồ sơ lên Phòng dịch vụ một cửa thuộc bộ Kế hoạch và Đầu tư ở địa phương hoặc TW tùy theo quy mô, tính chất dự án, để xem xét và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Chính phủ xem xét phê duyệt.
Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:
(1) Đơn xin phép kinh doanh đặc biệt theo mẫu (làm thành 1 bản chính 4 bản phụ để nộp, doanh nghiệu giữ lại 1 bản để đối chiếu);
(2) Tài liệu số liệu cơ sở của dự án (bản đồ vị trí, số liệu kỹ thuật, số liệu hạng mục) hoặc báo cáo luận chứng kinh tế kỹ thuật, luận chứng môi trường, chương trình làm việc tại Lào vv… tùy theo đòi hỏi cụ thể của dự án.
(3) Giấy phép, lai lịch và báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp (nếu là công ty cổ phần liên doanh, hình thức đầu tư, hình thức doanh nghiệp phải phù hợp với quy định Luật Doanh nghiệp của Lào)
(4) Thỏa thuận hợp tác thành lập doanh nghiệp;
(5) Giấy ủy quyền giám đốc;
(6) Giấy bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tài chính;
(7) Lai lịch và chứng nhận tình trạng tài chính của nha đầu tư;
(8) Sơ yếu lý lịch nhà đầu tư;
(9) Bản sao giấy chứng minh nhân dân (với nhà đầu tư trong nước) hoặc bản sao hộ chiếu.
Ngoài các tài liệu kể trên, nhà đầu tư các lĩnh vực khoáng sản, điện, tô nhượng đất đai vv..còn phải nộp Biên bản ghi nhớ việc tiến hành thu thập tài liệu đối với dự án sở tại.
- Thẩm định nhà đầu tư
Nhà đầu tư xin thành lập doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực đặc biệt trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với cơ quan hữu quan và địa phương theo đúng pháp luật, để thực hiện việc thẩm định thông qua nhiều hình thức hợp pháp khác nhau tùy theo tình hình cụ thể, chẳng hạn như: thông qua đối chiếu, mời thầu hoặc đánh giá.
Trong quá trình thẩm định nhà đầu tư, phải đảm bảo minh bạch, công khai và có thể thẩm tra.
- Phê duyệt quyền kinh doanh đặc biệt
Nhà đầu tư xin thành lập doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực đặc biệt sẽ phải trải qua quy trình phê duyệt với thời gian cụ thể như sau:
Nhà đầu tư sau khi đã nộp đầy đủ hồ sơ và được xác nhận tại phòng dịch vụ một cửa trong thời gian 65 ngày làm việc sẽ nhận được giấy phép đầu tư;
Phòng dịch vụ một cửa trong 2 ngày làm việc sẽ trình hồ sơ xin phép của nhà đầu tư lên cơ quan và địa phương liên quan, trong vòng 30 ngày làm việc cơ quan và địa phương liên quan sẽ tiến hành xem xét và đưa ra phản hồi, nếu hết thời gian trên mà không có ý kiến phản hồi được coi như đồng ý;
Sau khi nhận được ý kiến phản hồi từ cơ quan và địa phương liên quan, phòng dịch vụ một cửa sẽ trình hồ sơ xin phê duyệt lên Ủy ban quản lý xúc tiến đầu tư, trong vòng 30 ngày làm việc Ủy ban quản lý xúc tiến đầu tư sẽ có ý kiến rõ ràng việc có đồng ý hay không;
Nếu Ủy ban quản lý xúc tiến đầu tư đồng ý, Phòng dịch vụ một cửa sẽ tổ chức hội nghị giữa nhà đầu tư với cơ quan và địa phương liên quan để tiến hành đàm phán về Biên bản ghi nhớ MOU đầu tư, sau đó sẽ báo cáo lên Ủy ban quản lý đầu tư phê chuẩn để nhà đầu tư và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt cho Chính phủ ký kết Biên bản ghi nhớ MOU.
Sau khi ký kết MOU, nhà đầu tư căn cứ theo thỏa thuận tại MOU để tiến hành nộp tiền đảm bảo thực hiện MOU, đồng thời căn cứ theo quy định pháp luật để tiến hành thu thập thông tin, lập nghiên cứu khả thi, báo cáo tác động môi trường và xã hội để xin thông qua.
Nếu được thông qua, Phòng dịch vụ một cửa trong thời gian 3 ngày làm việc sẽ có thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư. Trong vòng 10 ngày làm việc sau khi nhận được thông báo bằng văn bản của Phòng dịch vụ một cửa, nhà đầu tư phải hồi đáp bằng văn bản về thời gian tiến hành đàm phán ký kết hợp đồng; nếu trong thời gian 30 ngày làm việc kể từ khi Phòng dịch vụ một cửa ra thông báo mà không nhận được phản hồi hoặc không tiến hành đàm phán hợp đồng sẽ bị coi là không đủ tư cách đầu tư.
Sau khi hợp đồng kinh doanh đặc biệt được ký kết, Phòng dịch vụ một cửa trong thời gian 3 ngày làm việc sẽ ra giấy phép đầu tư.
Nếu không được phê duyệt, trong thời gian 3 ngày kể từ khi Phòng dịch vụ một cửa nhận được thông báo không phê duyệt sẽ có thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư.
- Thời hạn đầu tư kinh doanh đặc biệt
Thời hạn kinh doanh đặc biệt không cố định mà tùy thuộc vào loại hình ngành nghề, quy mô, mức đầu tư, điều kiện, báo cáo khả thi, thông thường sẽ không vượt quá 50 năm. Thời hạn kinh doanh đặc biệt có thể được chính phủ hoặc quốc hội hoặc hồi đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt cho kéo dài.
Tổng hợp