Nhiều cô gái từng làm tiếp thị bia làm việc tại các điểm vui chơi, ăn uống đã bày tỏ quan điểm cá nhân và sự lo lắng không có việc làm.
Thông tư 196 của Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch ban hành ngày 29/4 mới đây về việc yêu cầu dừng mọi hoạt động quảng bá đồ uống có cồn được ban hành và có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc.
Theo đó Lào cấm tất cả các hành vi quảng bá các sản phẩm chứa chất cồn dưới mọi hình thức như đặt biển quảng cáo tại các điểm trên đường phố hay khu dân cư và các hình thức quảng bá như sử dụng dịch vụ tiếp thị bia tại các quán xá như trước kia.
Có thể thấy đây là một trong những động thái của phía chính phủ Lào trong việc cố gắng giảm thiểu các tác hại do rượu bia đến con người và xã hội.
Mới đây, trên mạng xã hội, nhiều tài khoản người dùng được cho là những cô gái tiếp thị bia đã đăng tải những bài viết thể hiện quan điểm cá nhân và bày tỏ lo lắng về nguy cơ không có việc làm do động thái mạnh tay của chính quyền.
Một ý kiến cho rằng, lệnh cấm của nhà nước có nguy cơ làm cho hàng nghìn cô gái làm việc tiếp thị bia, phần lớn trong đó là làm việc bán thời gian và đang là sinh viên sẽ mất đi nguồn thu nhập đáng kể để trang trải cho việc học và chi phí sinh hoạt.
Một số quan điểm khác cho rằng ngoài việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn được ban hành, nhà nước cần ban hành thêm luật cấm sản xuất bia bởi ngành sản xuất và cung cấp đồ uống có cồn, đặc biệt là bia có ảnh hưởng đến nhiều nhóm lao động có liên quan.
Phản ứng trước quan điểm trên, nhiều người đã thể hiện suy nghĩ trái ngược khi cho rằng các cô gái tiếp thị bia hoàn toàn có thể tìm công việc khác vẫn phù hợp và đảm bảo thu nhập cho cuộc sống.
Một ý kiến khác nhận được nhiều ủng hộ của cộng đồng mạng cho biết, việc cấm quảng cáo đồ uống có cồn hoàn toàn hợp lý, kể cả ảnh hưởng đến việc làm của nhiều nữ tiếp thị bia. Việc này sẽ góp phần thay đổi xu hướng lao động trẻ tại Lào muốn làm những công việc hoàn toàn không sử dụng đến kỹ năng, trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng lao động sản xuất tại nước này. Ý kiến này cho rằng, ngành công nghiệp sản xuất Lào chậm phát triển bắt nguồn từ việc lao động trong nước không có trình độ, vì vậy việc tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng làm việc sẽ giúp lao động Lào không lo ngại thất nghiệp và gặp khủng hoảng theo sự chuyển mình của xã hội.
Theo KTTM