Ngày 11/3, trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du đã tổ chức lễ kỷ niệm 15 năm thành lập trường.
Tham dự buổi lễ có Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng; đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; đại diện các cơ quan liên quan của Lào; đại diện Hội Người Việt Nam thủ đô Viêng Chăn; các cán bộ, thầy, cô giáo, các chuyên gia đã và đang giảng dạy cùng đông đảo học sinh và cựu học sinh của trường.
Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du, tiền thân là 2 trường tiểu học Nguyễn Du I và Nguyễn Du II, nơi dành cho con em bà con Việt kiều tại thủ đô Viêng Chăn học tập, mục đích là cho các cháu vừa được học chương trình phổ thông của Lào, vừa được học tiếng Việt để luôn nhớ đến cội nguồn mình.
Năm 2005, Đảng và Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ kinh phí trên 500.000 USD để xây dựng Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du với 2 tòa nhà 3 tầng có 39 phòng học trên một khu đất rộng 10.379 m2 do Chính phủ Lào cấp. Sau 3 năm xây dựng, trường đã khánh thành và đi vào hoạt động. Hiện nay, nhà trường có 30 lớp học với trên 1.000 học sinh từ bậc mầm non đến hết bậc trung học phổ thông và 66 cán bộ, giảng viên, trong đó con em người Việt chiếm khoảng 45%, số còn lại là học sinh người Lào
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết, trong những năm gần đây, Trường Song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ và trở thành một trường có uy tín ở thủ đô Viêng Chăn, đạt chuẩn quốc gia Lào và Việt Nam, góp phần cung cấp nguồn nhân lực tương lai cho sự nghiệp xây dựng đất nước Lào phồn vinh, hạnh phúc.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đề nghị trong thời gian tới, nhà trường cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về nhận thức và đổi mới về tư duy trong giáo dục, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, giúp học sinh nâng cao trình độ, phát triển toàn diện về văn, thể, mỹ, phát huy tính tự giác, năng động trong học tập, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới.
Năm học 2021-2022 vừa qua, trường vinh dự được Bộ Giáo dục hai nước chọn làm trường thí điểm dạy song ngữ Việt – Lào từ lớp 1 đến lớp 12 để từ đây nhân rộng mô hình đào tạo này trên khắp đất nước Lào, qua đó giúp thế hệ trẻ của Lào hiểu sâu sắc truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước. Cũng từ mái trường này, rất nhiều thế hệ đầy tài năng tỏa đi khắp nơi, tiếp tục học tập, trưởng thành và cho đến nay nhiều người đang giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan, đơn vị của đất nước Lào.
Trở về trường sau hơn 30 năm, chị Kanya Keomany, một học trò cũ của trường tiểu học Nguyễn Du trong những năm 1986-1991 không giấu nổi cảm xúc. Chị chia sẻ: “Đây là nơi truyền cho tôi những kiến thức đầu đời và mãi mãi in dấu trong ký ức tôi”. Những hình ảnh hoài niệm đầy thân thương về thầy cô, bạn bè cứ thế ùa về.
Nhớ lại những ngày đầu tiên chị Kanya đặt chân vào ngôi trường thân yêu này cũng là lúc chị bắt đầu một cuộc sống ngoài vòng tay gia đình. Tại đây, chị được các thầy cô dạy phải tuân thủ các quy định trường lớp, được học hát Quốc ca Lào cũng như Quốc ca Việt Nam. Cũng tại nơi đây, chị cũng biết cách sống trong môi trường tập thể và hơn thế nữa là được làm quen với bạn bè và thầy cô – những người chưa quen để rồi thành thân thiết như một gia đình.
Hiện chị Kanya đang là Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Lào và hôm nay, trong không khí tràn ngập tình cảm ấm áp, chị cũng muốn chia sẻ tới những chủ nhân tương lai của đất nước Lào hãy cố gắng học tập và trau dồi kiến thức để đáp những ứng yêu cầu ngày càng phát triển của xã hội và góp phần dựng xây quê hương, đất nước Lào ngày một giàu mạnh hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Sisuk Vongvichuth, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào, chúc mừng và đánh giá cao những thành tựu mà thầy, trò nhà trường đã đạt được trong suốt những năm qua. Bà cho biết ngôi trường là biểu tượng của tình hữu nghị Lào – Việt Nam và nhà trường đã đào tạo ra các thế hệ học sinh tài năng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước Lào.
Trải qua hơn 15 năm hình thành và phát triển, Trường Song ngữ Lào – Việt Nam Nguyễn Du đến nay đã trở thành một ngôi trường kiểu mẫu của thủ đô Viêng Chăn cũng như của đất nước Lào. Và đây cũng là ngôi trường đặc biệt của tình hữu nghị Lào – Việt Nam, nơi nuôi dưỡng, đào tạo các thế hệ trẻ là con em kiều bào và con em Lào trở thành những nhân tài phục vụ đất nước Lào tươi đẹp và vun đắp cho tình hữu nghị vĩ đại của hai đất nước.